“Bất thường” quanh việc cho thuê tài sản hơn 20 năm?

Đó là vấn đề được đặt ra tại buổi làm việc của Đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội do Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh làm Trưởng đoàn mới đây, ngày 22/4, khi kiểm tra Bệnh viện (BV) Thanh Nhàn về triển khai thực hiện chính sách xã hội hóa (XHH) y tế.

Tỷ lệ ăn chia “bất thường”


Tại buổi làm việc, nhiều đại biểu đặt câu hỏi khi thấy có nhiều “bất thường” trong mô hình XHH của BV Thanh Nhàn. Cụ thể: “Tại sao Thanh Nhàn là BV công lại có mô hình công - tư đan xen?”; “Thời gian ký hợp đồng quá dài hơn 20 năm và tỷ lệ hưởng quá cao từ 80 - 85%”; “Tại sao BV không có máy móc mà chỉ có máy móc XHH?”; “Lợi ích của nhà đầu tư trên BV thì đời sống của cán bộ nhân viên ra sao?”…

Tìm hiểu được biết, triển khai từ năm 1999, đến nay, BV Thanh Nhàn có 15 đề án XHH y tế với tổng số vốn huy động là 65 tỷ đồng. Hầu hết trong số 15 đề án này đều được thực hiện theo mô hình thuê máy của doanh nghiệp. Thế nhưng điều khó hiểu là doanh nghiệp cho thuê máy lại được BV chia lợi nhuận thu từ máy đó với tỷ lệ ăn chia lên đến 80 - 85%... Nghĩa là, BV Thanh Nhàn chỉ còn 15 - 20% để chi lương và các chi phí khác cho hàng chục nhân viên thực hiện nhiệm vụ này.
XHH y tế là chủ trương đúng đắn mang lại lợi ích cho người bệnh trong điều kiện nguồn vốn Nhà nước còn hạn chế. Nếu như “ăn chia” với tỷ lệ trên thì người bệnh có được hưởng lợi hay không?

Càng khó hiểu hơn khi đa số các hợp đồng thuê máy móc XHH có thời gian rất dài, trung bình trên 10 năm, có đề án hợp đồng đến 20 năm. Trong khi đó, thông thường, các máy móc thiết bị trong vòng 5 - 7 năm thì hết khấu hao và sẽ thuộc quyền quản lý của BV. Thế nhưng, ở BV Thanh Nhàn, sau khi kết thúc hợp đồng, toàn bộ tài sản tham gia XHH vẫn thuộc về nhà đầu tư.

Bà Chu Thị Dự, Phó Giám đốc BV Thanh Nhàn cho biết, do đa số nhà đầu tư nhận được tỷ lệ ăn chia khi ký hợp đồng rất cao từ 80 - 85% nên sau một thời gian hoạt động, BV đã thương thảo giảm tỷ lệ chia lợi nhuận khi thuê máy với một số máy xuống còn 50 - 60%, song có một số đối tác không đồng ý. Xét về mặt kinh tế đây là điều bất hợp lý vì khi thỏa thuận ký hợp đồng thuê máy BV đã không tính đến cơ sở vật chất, nguồn bệnh nhân cũng như thương hiệu của BV…
 
Lãnh đạo BV Thành Nhàn cũng thừa nhận, dù chủ trương XHH đã góp phần thay đổi diện mạo của BV, giúp BV phát triển tốt nhưng thực tế có hiện tượng các nhà đầu tư chỉ đầu tư XHH vào các dịch vụ kỹ thuật có lợi nhuận cao, việc XHH trang thiết bị toàn bộ dẫn đến hệ quả là BV phụ thuộc vào nhà đầu tư.

Chẩn đoán hình ảnh tại BV Thanh Nhàn. Ảnh:Minh An
Chẩn đoán hình ảnh tại BV Thanh Nhàn. Ảnh: Minh An

Cần làm rõ trách nhiệm


Hiện nay, BV Thanh Nhàn được TP Hà Nội giao kế hoạch là 540 giường bệnh. Để giảm quá tải, BV đã triển khai kê thêm gần 250 giường dịch vụ nằm xen kẽ trong các khoa khám bệnh công lập. Người bệnh nằm ở các giường bệnh dịch vụ này sẽ phải đóng thêm từ 100.000 - 200.000 đồng/giường/ngày (tùy theo phòng 2 giường hay 6 giường).

Các thành viên trong đoàn giám sát HĐND TP cho rằng, việc người bệnh phải nằm ghép, nằm giường dịch vụ xen kẽ trong phòng điều trị công lập, bản thân quyền lợi của họ đã bị thiệt thòi và chất lượng điều trị chắc chắn cũng giảm theo, hơn nữa lại phải nộp thêm tiền cho giường dịch vụ thì càng thiệt đơn thiệt kép.
Tại buổi làm việc, ông Đào Quang Minh, Giám đốc BV Thanh Nhàn thừa nhận việc không tính cơ cấu giá về xây dựng cơ bản của BV khi đàm phán liên doanh liên kết cũng như việc chia cho doanh nghiệp liên kết tỷ lệ lợi nhuận quá cao là… không hợp lý. Tuy nhiên, ông Đào Quang Minh lý giải rằng tất cả các đề án này được thực hiện từ những năm trước và nhiều đề án, bản thân ông cũng không hiểu tại sao lại có tỷ lệ ăn chia như vậy, hợp đồng dài hạn như vậy, vì ông mới về đảm nhận chức Giám đốc BV từ năm 2011.

Giám đốc BV Nhàn còn cho biết, hiện có một số đề án BV muốn thanh lý hợp đồng nhưng khó khăn vì phía đối tác không đồng ý hoặc đòi bồi thường rất cao nếu BV tự dừng hợp đồng trước hạn.

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh đề nghị BV Thanh Nhàn phải phân biệt, làm rõ và xác định đúng hình thức XHH, minh bạch việc thuê máy với mô hình liên doanh liên kết ăn chia lợi nhuận và dù áp dụng theo mô hình nào cũng phải đảm bảo tính đúng, tính đủ, công khai theo các quy định hiện hành. Đặc biệt, khi XHH y tế phải hài hòa 3 lợi ích: Nhà đầu tư - BV - người bệnh, trong đó quyền lợi người bệnh phải được đặt lên hàng đầu chứ không phải quyền lợi của nhà đầu tư.

Chủ tịch Ngô Thị Doãn Thanh cũng đề nghị BV Thanh Nhàn khi mở rộng các đề án XHH cần tập trung vào những máy móc ngân sách không đầu tư, không đủ điều kiện đầu tư hoặc không được đầu tư, tránh gây nên tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.

Mong rằng, UBND TP Hà Nội, Sở Y tế cùng các cơ quan chức năng sớm kiểm tra, rà soát việc XHH y tế của ngành Y tế Thủ đô nói chung và BV Thanh Nhàn nói riêng để người bệnh thực sự được hưởng lợi.

Về vấn đề XHH y tế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên từng cho rằng, Bộ Y tế cùng với sở y tế các tỉnh, TP cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện sai phạm và phải nhanh chóng xử lý nghiêm túc, công khai các sai phạm.